null Chức năng của gia đình trong cuộc sống ngày nay

Gia đình
Thứ hai, 08/07/2013, 10:13
Màu chữ Cỡ chữ
Chức năng của gia đình trong cuộc sống ngày nay

 Trong xã hội truyền thống, giáo dục đời sống gia đình thường được thể hiện thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán, gia phong, gia pháp, gia đạo, gia lễ trong gia đình, dòng họ, quan hệ trong cộng động làng, xã cũng như trong quá trình học tập, rèn luyện nghề nghiệp cùng cha, mẹ người thân anh, chị, em. Ngày nay, các lý thuyết về giáo dục thường chỉ ra rằng có ba môi trường giáo dục để thực hiện chức năng cung cấp kiến thức, kỷ năng cho mỗi cá nhân. Đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong xu thế hội nhập và phát triển mạnh mẽ trên tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội…cần phải có phương thức hợp lý để mỗi gia đình thực hiện các chức năng hướng tới đạt những mục tiêu phát triển gia đình của mình một cách bền vững khoa học vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại.

Bên cạnh, những mặt thuận lợi mà quá trình hội nhập phát triển mang lại thì những yếu tố tiêu cực như lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, tệ nạn xã hội, sự tranh giành ảnh hưởng, sự ích kỷ trong chia sẻ quyền lợi tạo ra những mâu thuẫn xung đột có tác động sâu sắc đến cấu trúc trong nội bộ gia đình, làm cho gia đình phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với trước đây, từ đó đặt ra yêu cầu cần phải quan tâm đầu tư nhiều hơn đến việc chăm lo cho gia đình có cơ hội phát triển ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững đây còn là quan điểm, tư tưởng chủ đạo chiến lược của Đảng và nhà nước ta hiện nay.

Với tư cách là một thiết chế xã hội, gia đình có rất nhiều chức năng tùy thuộc vào lối sống văn hóa, kinh tế của từng dân tộc khác nhau. Ở Việt Nam, gia đình thường có các chức năng cơ bản như: sinh sản để duy trì nòi giống, giáo dục để tạo sự bền vững, kinh tế tăng trưởng phát triển để tạo sự ổn định hưng thịnh, nhu cầu tinh thần, tâm lý và tình cảm được kết nối trong một gia đình có tính truyền thống nhưng trong điều kiện hội nhập được tiếp thu những tinh hoa của thế giới nên cũng rất hiện đại. Trước hết, chức năng cơ bản về sinh sản nhằm để duy trì phát triển nòi giống, chức năng này vừa là quy luật sinh tồn của tự nhiên, vừa là quy luật của xã hội, thế giới trong mỗi gia đình và gia đình là thế giới thu nhỏ. Việc thực hiện chức năng này thỏa mãn nhu cầu của các bậc cha , mẹ của các thành viên trong họ hàng gia tộc phát triển giống nòi về số lượng và chất lượng, trong XH hiện đại đứa con trong gia đình vẫn là một biểu hiện của giá trị hạnh phúc gia đình, chức năng cơ bản này khiến các cá nhân gắn kết lại với nhau tạo thành gia đình có tính truyền thống và toàn cầu.

Bên cạnh đó, chức năng kinh tế gia đình được thể hiện ở các hoạt động sản xuất và tiêu thụ phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại và học hành… Những năm qua việc thực hiện chính sách đa dạng hóa các thành phần KT của Đảng và nhà nước ta đã khuyến khích các thành phần KT phát triển trên các lĩnh vực, gia đình vừa là đơn vị sản xuất, vừa là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho XH, cung cấp lao động và vốn đầu tư đồng thời cũng góp phần thực hiện nhiệm vụ phân phối, lưu thông tiêu dùng làm cho đời sống gia đình phát triển rất đáng kể. Chức năng này thực hiện được tốt phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao chất lượng sống của gia đình, ngày càng đáp ứng thỏa mãn nhiều hơn về nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của từng cá nhân trong môi trường sống của xã hội và xã hội sẽ ươm mầm cho những tài năng phát triển đúng hướng tốt đẹp.

Nổi bật nhất vẫn là chức năng giáo dục trong gia đình, vì mỗi con người khi sinh ra và trưởng thành cho đến cuối đời, đó là quá trình được giáo dục liên tục và tự giác. Người xưa có câu “nhân bất học, bất tri lý” (người mà không được giáo dục thì không có sự hiểu biết). Vai trò của những người thân trong gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi cá nhân về lối sống đạo đức, nhân cách, gia đình là trường học đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi cá nhân về những ý niệm, về những cơ sở đầu tiên về cái thiện và cái ác, về đạo đức, lẽ sống, tâm hồn… “Tử hiếu song thân lạc, gia hòa vạn sự thành” (Con hiều thì cha, mẹ vui, gia đình hòa thuận thì mọi việc đều thành). Có thể nói gia đình là môi trường xã hội hóa cá nhân đầu tiên, nó khác với các thiết chế XH khác dựa trên mối quan hệ tình cảm, huyết thống thiêng liêng trong quá trình của cá nhân khi đạt đến trình độ chiếm lĩnh những chuẩn mực XH, những khuôn mẫu tác phong, những vốn tri thức, kinh nghiệm, những giá trị VH chung trong thực tiển cuộc sống. Xã hội luôn biến đổi không ngừng nên có tác động sâu sắc đến cấu trúc của từng gia đình, trong XH hiện đại việc giáo dục nhân cách, lối sống, nhận thức tư duy, gia đình cần phải tạo cho các thành viên có phương pháp độc lập trong sáng tạo, suy nghĩ, tinh thần ham học hỏi cầu thị, cầu tiến, gia đình cần trang bị cho con em mình về trình độ vốn có hàm lượng tri thức cao, nhận thức hiểu biết cơ bản về cách tiếp cận xu thế phát triển của cộng đồng và XH, những kinh nghiệm, kỹ năng, sở trường và tự tin hơn trong môi trường sống…Vì vậy không thể xem nhẹ vai trò, chức năng giáo dục trong gia đình, vì chức năng giáo dục gia đình có tầm quan trọng đặc biệt, nếu môi trường gia đình là xuất phát điểm, thì môi trường giáo dục ở trường học là phương tiện định hướng, môi trường xã hội là điểm đến của sự nghiệp và tương lai theo dòng đời của mỗi người.

Chức năng giáo dục trong gia đình phải gắn kết hài hòa với chức năng thỏa mãn các nhu cầu tinh thần, tâm lý và tình cảm trong gia đình. Đánh giá nhìn nhận ở góc độ khác, gia đình là một cộng đồng đặc biệt có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, quan hệ tình cảm, trách nhiệm sự đùm bọc, tương thân tương ái, sẵn sàng hy sinh cho nhau với tâm niệm gắn bó suốt đời người. Gia đình là điểm sum họp, được an ủi về mặt tình cảm, thỏa mãn nhu cầu tình yêu thương, hạnh phúc tạo nên sự ổn định, cân bằng trạng thái về tâm lý của mỗi cá nhân trong cuộc sống cũng như trong mỗi công việc. Chính điều này nếu đã được thực hiện thành công thì nó còn mang ý nghĩa có tính động lực quan trọng trong thúc đẩy nâng tầm lên các mặt chức năng khác như giáo dục; sản xuất, tiêu dùng; phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ trong phát triển nhu cầu vật chất và tinh thần, tâm lý và tình cảm sẽ bền chặt hơn trong mối quan hệ hướng đến hoàn thiện của mỗi gia đình.

Người xưa đã dạy rằng: Tu tâm dưỡng tính, trị gia, tề quốc, bình thiên hạ” (người chính nhân quân tử có tốt, gia đình có ổn định thịnh vượng, thì trị quốc mới yên bình phồn vinh, dân mới an cư lạc nghiệp, giàu mạnh). Và chức năng gia đình chính là sức mạnh có tính chất của cội nguồn trong mỗi cá nhân để góp phần đạt được mọi điều như ước muốn “Thành công, thành công và đại thành công”.                         

Bài: LAN NGỌC

Số lượt xem: 8052

Tin đã đưa
Liên kết web
Thăm dò
 

 

SỞ VĂN HÓA, THÔNG TIN, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở, Trưởng Ban Biên tập
Địa chỉ: số 16 đường Cù Chính Lan, Phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823.886 - Email: svhttttdl@baclieu.gov.vn

Số lượt truy cập
00137306
ipv6 ready